Chính thức thông qua sửa Luật Dược, 'chốt' quy định mới về bán thuốc online
Chiều 21-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó quy định về kinh doanh dược qua thương mại điện tử.
Các đại biểu bấm nút thông qua luật - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 21-11, với 426/430 đại biểu có mặt tán thành, 2 đại biểu không tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, tuy nhiên một số quy định sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025.
Chỉ được bán lẻ online thuốc kê đơn với trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm nhóm A
Đáng chú ý, Luật Dược mới được Quốc hội thông qua đã có quy định về kinh doanh dược phẩm qua thương mại điện tử.
Theo quy định của luật, việc kinh doanh thuốc qua phương thức thương mại điện tử được bán thuốc không kê đơn. Còn thuốc kê đơn được bán online trong trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.Luật cũng quy định cấm bán online với thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.
Cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử phải bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Cùng với đó, các đơn vị phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo mật thông tin của người mua.
Các đơn vị cũng được yêu cầu đăng tải chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, thông tin về thuốc đã được phê duyệt.
Ngoài ra, cơ sở bán lẻ thuốc phải tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng cho người mua thuốc và giao thuốc đến người mua theo hướng dẫn chi tiết của bộ trưởng Bộ Y tế.
Trước đó, thay mặt Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của thuốc được bán trên sàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử đã được quy định tại pháp luật về thương mại điện tử và giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, đây chỉ là phương tiện để thực hiện giao dịch, hoạt động kinh doanh dược vẫn sẽ do cơ sở kinh doanh dược thực hiện.
Do đó, cơ sở có thuốc bán trên sàn phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc, tương tự như hình thức mua bán truyền thống.
Pháp luật về thương mại điện tử và giao dịch điện tử cũng quy định trách nhiệm của các bên trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Quy định như dự luật cũng phù hợp với xu hướng quản lý về thương mại điện tử trong kinh doanh thuốc ở một số nước trên thế giới.
Siết quy định quản lý giá thuốc
Luật Dược vừa thông qua bổ sung nhiều chế định quản lý giá thuốc. Theo đó, Bộ Y tế có quyền kiến nghị với doanh nghiệp về mức giá thuốc lưu hành trên thị trường khi phát hiện cao hơn mức cao nhất của loại tương tự đã công bố, hoặc giá bán tại nước xuất xứ.
Ngoài ra, mức chênh lệch của giá bán buôn thuốc dự kiến so với giá trúng thầu cao hơn mức chênh lệch tối đa do Chính phủ quy định cũng thuộc diện được Bộ Y tế can thiệp.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc kiểm soát giá thuốc không kê đơn được thực hiện theo phương pháp niêm yết giá với mọi loại thuốc; kê khai giá, bình ổn giá với các thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu.
Công bố giá bán buôn thuốc dự kiến là biện pháp đặc thù trong quản lý giá thuốc, áp dụng đối với thuốc kê đơn do nhóm thuốc này chiếm đến hơn 82% số lượng thuốc lưu hành trên thị trường.
Đây là thuốc chiếm tỉ lệ sử dụng chủ yếu tại các cơ sở y tế và người bệnh không tự ý mua để sử dụng mà phải theo chỉ định của thầy thuốc. Biện pháp này giúp hạn chế tăng giá qua mỗi tầng, nấc trung gian và đội giá lên cao khi đến tay người tiêu dùng.